Phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế theo chuỗi giá trị

Bắc Giang là một tỉnh miền núi nhưng có cả vùng trung du, đồng bằng xen kẽ, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng khí hậu thổ nhưỡng phì nhiêu rất thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp. Không những thế, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề với nhiều sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú; hệ thống sông suối, hồ, các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. 

Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Ảnh: BGP/An Nhiên

Với diện tích tự nhiên hơn 382,2 nghìn ha, trong đó có 123 nghìn ha đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, 110 nghìn ha đất lâm nghiệp, 119,6 nghìn ha đất ở, đất chuyên dùng và đồi núi trọc, Bắc Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Đây là thế mạnh của tỉnh trong việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Với điều kiện tự nhiên ưu đãi và con người cần cù, sáng tạo, tỉnh Bắc Giang đã tạo ra các vùng sản xuất nông nghiệp khá đa dạng, với nhiều sản phẩm phong phú. Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển ổn định và khá toàn diện. Tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất cây, con tập trung, chuyên canh có hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là một lợi thế để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Vải thiều là một trong những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang. Ảnh: BGP/An Nhiên

Bên cạnh những sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, được nhiều người biết đến của tỉnh như: vải thiều, bưởi, cam Lục Ngạn, na Lục Nam, ổi, vú sữa Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, gà đồi Yên Thế, lợn sạch Tân Yên…, Bắc Giang còn được biết đến với các sản vật tinh xảo, văn hóa ẩm thực phong phú của các làng nghề, là cái nôi lưu giữ những giá trị truyền thống vô cùng độc đáo. Các sản phẩm được kể đến là: mây tre đan, gốm sứ, rượu, mỳ, bánh đa… Tất cả đều được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, với bí quyết nghề gia truyền độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác, kết tinh trong mỗi sản phẩm làng nghề và làm nên nét rất riêng, đặc trưng của Bắc Giang, được người tiêu dùng mến mộ, vinh danh, ưa chuộng không chỉ thị trường trong nước mà có mặt tại các thị trường nước ngoài.

Không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp, Bắc Giang còn được biết đến với nhiều làng nghề. Ảnh: BGP/An Nhiên

Để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Điển hình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, xác định nhóm sản phẩm chủ lực có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương (sản phẩm OCOP) phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 70 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm đạt 5 sao (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế), bao gồm: vải thiều Lục Ngạn, rượu làng Vân, mỳ Chũ và khoảng 30 - 40% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có khoảng 170 loại sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm đạt 5 sao và khoảng 60 - 70% hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình OCOP.

UBND tỉnh ban hành Quyết định số 975/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 50% số sản phẩm hiện có, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh; phát triển ít nhất 3 sản phẩm OCOP (vải thiều Lục Ngạn, Mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế…) đạt hạng 5 sao cấp quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); phát triển mới ít nhất 10 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.

Mỳ Chũ Lục Ngạn là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến. Ảnh: BGP/An Nhiên

Giai đoạn 2021 - 2030, phát triển thêm 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao quốc gia (sản phẩm đạt 90 - 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế); triển khai thực hiện từ 1 - 3 mô hình làng văn hóa du lịch (tại khu du lịch sinh thái Khe Rỗ, huyện Sơn Động; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam; khu du lịch sinh thái Xuân Lung Thác Ngà huyện Yên Thế); triển khai phát triển 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên…

Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ huyện Lục Nam. Ảnh: BGP/An Nhiên

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Giang xây dựng Chuyên trang “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại địa chỉ: https://bacgiang.gov.vn/web/ocop/trang-chu nhằm giới thiệu, quảng bá một cách hệ thống, bao quát các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ lực, đặc trưng thế mạnh của tỉnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế./.

An Nhiên

 

Hiện nay, huyện Sơn Động có 10 sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2023 (đợt 2).
Hiện nay, Sâm Nam núi Dành Tân Yên là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện Tân Yên chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh nông, lâm nghiệp trên địa bàn, huyện Sơn Động phấn đấu mỗi năm xây dựng 1 đến 3 sản phẩm OCOP, đến năm 2025 có thêm 10 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3...