Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”

|
Views:
Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu có tối thiểu 30% các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.
Phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh
có yêu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Ảnh minh họa: BGP/Bình Minh

Đó là một trong những mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025 vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Mục tiêu chung của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân về truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Qua đó kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu: sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ... gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường nội địa và xuất khẩu.

Kế hoạch đặt mục tiêu cụ thể là phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có nhu cầu trên địa bàn tỉnh được tập huấn, đào tạo kiến thức về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Phấn đấu 100% các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh có yêu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bảo đảm 100% các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh và 100% các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng bắt buộc được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống truy xuất nguồn gốc của tỉnh; xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh. Phấn đấu 100% các sản phẩm, hàng hóa áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc được kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Quốc gia.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Kế hoạch đặt ra các giải pháp đó là: Thông tin, tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh như việc xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ triển khai thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với một số sản phẩm, hàng hóa.

Phát triển nguồn nhân lực bằng cách đào tạo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về truy xuất nguồn gốc cho lực lượng cán bộ, chuyên môn của các sở, ngành, các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ tư vấn và triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch.

Nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân.

* Xem chi tiết Kế hoạch tại đây./.

Bình Minh

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho người sản xuất, những năm gần đây, cây gấc đã được đưa vào trồng...
Cây cam Lục Ngạn được trồng trên đất đồi thoát nước, cộng với kỹ thuật chăm sóc hiệu quả nên cho chất lượng quả ngon hơn so với ở miền xuôi.
Hiện nay, ở Bắc Giang có nhiều mô hình trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó, mô hình trồng cây ba kích tím đã giúp bà con vùng...